Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Nên và không nên làm gì khi thang máy rơi

Thang máy là một trong những phương tiện an toàn cho việc đi lại của con người nếu được sản xuất, lắp đặt, vận hành theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn cho phép. Tuy nhiên, những rủi ro, trong đó có việc thang máy rơi tự do vẫn có thể xảy ra với rất nhiều nguyên nhân khác nhau, gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy bạn sẽ phải làm gì để tự giúp bản thân mình khi gặp tình huống đó? Dưới đây là những việc bạn nên và không nên làm:
1 - Nên
  • Giữ bình tĩnh và nhấn chuông báo động
Mọi người thường rất hoảng loạn khi gặp tình huống này, la hét và khóc lóc, tìm mọi cách để thoát ra ngoài, điều này không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ làm tình hình thêm tồi tệ. Việc bạn nên làm là giữ bình tĩnh bằng cách hít thở sâu, không tìm cách đạp cửa để mở ra và tự làm mình bị thương, mà hãy bấm chuông báo động, bấm nút gọi khẩn cấp.
  • Nằm ép sát xuống sàn
Cách tốt nhất các bác sỹ khuyên bạn là nên nằm ép sát xuống sàn trong tư thế ngửa, một tay kê dưới đầu, một tay che mặt để tránh bị vật liệu trên trần rơi vào gây thương tích. Tư thế này giúp phân bổ đều lực rơi lên cơ thể bạn, hạn chế tối đa những tổn thương như gãy xương, vỡ tạng, chấn thương sọ não…
  • Nắm chặt tay vịn
Khi thang máy đang rơi nhanh và việc tìm cách nằm xuống sàn khó khăn, bạn nên nắm thật chặt vào tay vịn trong thang, đây là cách để bạn cố định vị trí của mình, tránh bị ngã hay va chạm khi thang máy chao đảo. Cố gắng dựa đầu và lưng vào thành thang máy để cả cơ thể tạo thành một đường thẳng, tư thế này giúp cột sống của bạn không bị tổn thương.
2 - Không nên
  • Cố tìm cách thoát ra
Cạy cửa, nhảy lên, leo khỏi thang máy… là cách tìm đến cái chết nhanh hơn chứ không cứu bạn thoát khỏi tình huống này. Thang máy đang rơi với tốc độ rất cao, bạn càng hạn chế hoạt động thì càng giữ cơ thể khỏi chấn thương do va đập. Hoạt động càng nhiều bạn càng mất sức và mất bình tĩnh. Nhiều người cố trèo lên nóc thang máy để thoát hiểm nhưng ở đó có nhiều thiết bị điện bạn có thể sẽ bị điện giật. Lúc này, ở nguyên trong khoang thang máy là nơi an toàn nhất.
  • Nhảy lên
Việc nhảy và chạy loạn trong thang máy sẽ tác động đến quá trình rơi, làm thang máy trôi nhanh hơn và hơn hết nó sẽ làm thang máy bị chao đảo, thậm chí còn khiến cho thang máy trật khỏi ray nếu bạn đang ở trong một chiếc thang máy cũ ít được bảo dưỡng. Hậu quả thì chắc các bạn cũng đã tưởng tượng ra được.

Chiếc thang máy như thế nào được gọi là tốt

Bạn có biết thế nào là một chiếc thang máy tốt phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn? Vậy hãy tham khảo bài viết dưới đây để có những nhận định khách quan về thang máy.
Có hai suy nghĩ lệch lạc phổ biến về chất lượng thang máy sau đây:
- Thang máy tốt là thang của nhà sản xuất có thương hiệu tốt của Nhật Bản, Mỹ...
- Thang nào cũng được miễn là rẻ vì giống như xe máy (nổ được là chạy...)
Sai lầm của quan điểm thứ nhất:
Thang máy được sản xuất có chất lượng vô cùng tốt như: Nippon, Otis, Toshiba....nhưng được lắp đặt, bảo hành, bảo trì không đảm bảo kĩ thuật thì thang cũng không thể vận hành tốt được.Theo tổng kết của chúng tôi thì chất lượng thang máy được cấu thành như sau:
+ 30% là do chất lượng của thang máy( Thang máy được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản JIS, tiêu chuẩn Châu Âu EN, Tiêu chuẩn Mỹ ASTM, tiêu chuẩn Trung Quốc GB). Nhà sản xuất có thể đưa ra sản phẩm cao hơn những hệ tiêu chuẩn này hoặc tối thiểu là bằng. Hệ tiêu chuẩn này quy định rất chi tiết về vật liệu, cáp tải, khung cabin, kích thước tối ưu… của thang máy.
+ 30% là do công tác lắp đặt, vận hành thang máy. Giai đoạn này phụ thuộc nhiều vào trình độ kĩ thuật, trách nhiệm của người thợ và quy trình giám sát chất lượng lắp đặt của bộ phận thanh tra.
+ 30% là công tác bảo trì. Chất lượng của giai đoạn này cũng phụ thuộc rất nhiều vào cán bộ bảo trì, và quy trình bảo trì, bảo dưỡng của nhà cung cấp dịch vụ.
+ 10% còn lại là do ý thức người sử dụng, thiên tai và những vấn đề khác…
Sai lầm của quan điểm thứ hai:
Thang máy quá rẻ sẽ đồng nghĩa với nguồn gốc vật liệu rẻ, không được sản xuất theo bất cứ một tiêu chuẩn nào cả, bớt xén rất nhiều các thiết bị khác ( Ví dụ: Xe ôtô không có túi khí, phanh ABS…). Thang máy rẻ có hệ thống an toàn vô cùng kém hoặc gần như không có: mạch an toàn bị bớt xén, vật liệu bị giảm bớt. Do vậy khi thang máy vận hành thì mọi người không nghĩ đến trường hợp thang bị trục trặc và hệ thống an toàn của thang không đầy đủ hoặc không có để ngăn ngừa những sự cố nguy hiểm tiếp theo xảy ra. Đối với các thang máy được sản xuất theo tiêu chuẩn JIS, EN…thì bao giờ cũng có hai đến bốn phương án phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho hành khách đi thang khi có trục trặc của một linh kiện nào đó của thang.
Một sai lầm trong quan điểm mua thang rẻ nữa là:
Người mua không hiểu rằng nhà cung cấp sẽ liên tiếp bán thiết bị thay thế khi hết thời hạn bảo hành 12 tháng. Như vậy, người mua vừa chịu hậu quả thang không tốt đồng thời cũng không rẻ như cảm giác ban đầu.
Do đó, để có thang máy tốt thì ngoài việc lựa chọn thang máy có thương hiệu tốt còn phải lựa chọn những nhà cung cấp có dịch vụ tốt. Thực tế này ta có thể thấy rõ qua những công trình sử dụng loại thang có thương hiệu nổi tiếng nhưng chất lượng vận hành lại rất kém hoặc có những thang có Thương hiệu bình thường nhưng chất lượng vận hành rất tốt. Điều này nói lên chất lượng của Công Ty cung cấp dịch vụ lắp đặt và bảo trì, bảo dưỡng hoàn toàn khác nhau.

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Nhân viên bảo trì bị thang máy chèn chết

Một vụ tai nạn thang máy xảy ra ở sài gòn. Thang máy bất ngờ chạy ngược lên khi nam công nhân bảo trì đang đứng trên nóc khiến anh này bị kẹp cứng.
Ngôi nhà có thang máy xảy ra sự cố.
Tối 9/6, Trần Minh Trí (27 tuổi, nhân viên kỹ thuật) đến ngôi nhà 5 tầng trên đường Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh, TP HCM) bảo trì thang máy. Khi anh này leo lên nóc kiểm tra, bất ngờ thang máy chạy lên, kẹp chặt nạn nhân với phần tiếp giáp trên cùng.
Phải mất 2 giờ sau Cảnh sát cứu nạn – cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC TP HCM mới đưa được anh Trí ra ngoài. Tuy nhiên, nạn nhân đã tử vong trước khi đến bệnh viện.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Kỹ năng cần biết khi mắc kẹt trong thang máy

Trong quá trình sử dụng thang máy, bạn có thể gặp những sự cố không mong muốn, điểm hình nhất là kẹt thang máy. Vậy bạn sẽ làm gì khi ở trong thang máy bị sự cố ngừng lại, đèn tắt và xung quanh bạn tối om???
1. Bạn cần biết điều gì?
  • Cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, bạn sẽ không chết và không thể bị chết trong thang máy vì thiết kế an toàn của hệ thống thang máy.
  • Đừng bận tâm suy nghĩ điều cần làm ngoài việc gọi cứu trợ từ bên ngoài.
  • Hãy hít thở sâu và trấn an mọi người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.
2. Các kỹ năng xử lý khi bị kẹt bên trong thang máy
  • Chẳng có lý do nào để bạn phải sợ hãi. Hãy lấy lại sự bình tĩnh càng nhanh càng tốt.
  • Sử dụng đèn của điện thoại di động để thắp sáng buồng thang máy nếu cần thiết.
  • Gọi cứu trợ từ bên ngoài (bằng mọi cách nhưng tuyệt đối đừng đập phá buồng thang máy).
  • Trong trường hợp tồi tệ nhất (thang máy rơi tự do từ trên cao)– Hãy nằm trên mặt sàn buồng thang theo tư thế “thai nhi”. Nếu đi cùng với em bé, hãy nằm theo kiểu “úp thìa” và ôm chặt bé
3. Những điều bạn tuyệt đối không được làm
  • Tháo bỏ tấm che trần buồng thang và leo ra ngoài.
  • Cố gắng cậy cửa thang máy và leo hoặc bò ra ngoài.
  • Hút thuốc hoặc đốt lửa trong buồng thang.
  • Đập phá buồng thang hoặc các nút bấm trong buồng thang.
4. Những lời khuyên an toàn khi sử dụng thang máy, thang cuốn
  • Không cho trẻ em nhảy trong buồng thang máy.
  • Khi thang máy dừng tầng, bước nhanh và dứt khoát vào hoặc ra khỏi thang máy. Không nên đứng lâu ở mép thang máy nơi tiếp giáp giữa sàn tầng nhà và sàn thang máy khi cửa mở.
  • Khi vào thang máy, chú ý vị trí nút ấn chuông báo động và quan sátxem thang máy có trang bị hệ thống điện đàm liên lạc.
  • Khi đi thang cuốn (siêu thị, sân bay...), bạn phải nhận thức được nguy cơ tai nạn cho trẻ nhỏ khi giày, dép của bé bị kẹt vào mép vào của thang cuốn. Nếu điều này xảy ra đây là một tai nạn khủng khiếp. Do vậy, khi thang cuốn di chuyển đến cuối hành trình, tốt nhất là bạn hãy bế hoặc nhấc bé lên.
  • Một số thang cuốn có trang bị nút dừng khẩn cấp. Nút dừng khẩn cấp có màu đỏ và thường nằm ở hai đầu thang cuốn. Sẽ thuận lợi cho bạn nếu nút dừng khẩn cấp nằm ở đầu thang cuốn nơi thang kết thúc hành trình.

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Cách đi thang cuốn an toàn mà bạn cần phải biết

Khi có bí kíp này ở trong tay thì bạn sẽ ko gặp nguy hiểm mỗi khi đi thang cuốn nữa, vậy hãy cũng tham khảo nhé.

Đoạn video dài 15 giây được đăng tải lên Youtube vào ngày 26/7 đã ghi lại cảnh một vụ tai nạn thương tâm ở trung tâm thương mại của quận Kim Châu, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Theo đó, người phụ nữ Trung Quốc đã bị chiếc thang cuốn cuốn tử vong sau khi cố gắng cứu lấy cậu con trai nhỏ tuổi của mình.

Nhiều người cho rằng, thang cuốn là một trong những phương tiện di chuyển tiện lợi và an toàn. Tuy nhiên, với sự cố tai nạn lần này, không ít người cảm thấy lo sợ mỗi khi bước lên thang máy.
Bí kíp dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cơ chế hoạt động của thang cuốn cũng như là cách giúp bạn đi thang cuốn an toàn.
Từ nguyên lý cấu tạo của thang cuốn...
Về hình thức, phương tiện chở khách này gần giống với cầu thang bình thường. Loại thang nâng tự động này được cấu tạo từ rất nhiều bậc thang tự hoạt động, bên trong đặt dây xích, ròng rọc nhỏ và đường ray, nhằm giữ cho các bậc thang đi lên phía trên theo hướng nghiêng so với mặt phẳng.
Trên đỉnh của loại cầu thang này, đường ray phía đằng sau dần dần hạ thấp, làm cho bậc thang phía trước và bậc thang phía sau dần dần tiến lại gần nhau, tạo ra một bề mặt bằng phẳng. Đồng thời bậc thang đó lại tự động chuyển động về phía dưới, giúp cho mọi người có thể thuận tiện vào, ra thang máy.
... và bí kíp đi thang cuốn an toàn
- Khi chuẩn bị bước vào thang cuốn: quan sát đèn hiển thị chiều chuyển động được gắn ở hai đầu thang để đi vào đúng lối vào của thang.
- Hướng mặt ra phía trước và bám vào tay vịn trước khi đi vào và bước chân lên bậc thang cuốn đang chuyển động. Khi bước vào thang, chú ý bước vào khoảng cách giữa 2 bậc, không được bước vào vạch kẻ ngang có trên thang cuốn vì đó là đường gấp tạo thành 2 bậc.
Trong khi đứng trên bậc thang, hành khách nên đứng cả hai chân lên cùng một bậc, không nên đứng trên hai bậc khác nhau.
- Khi đứng, lưu ý không đứng quá sát mép thang cuốn, tránh trường hợp bị mắc giày, dép vào cạnh thang.
- Không được phép chạy, trêu đùa nhau hay ngồi trên thành tay vịn của thang cuốn. Lưu ý đứng phía tay phải của thang để đảm bảo không cản trở hành khách khác đi thang.
- Người lớn nên cầm tay và đặt trẻ em đứng vào khoảng giữa của bậc thang cuốn. Trẻ em dưới 6 tuổi tốt nhất nên được bế để đảm bảo an toàn.
- Nếu mặc quần áo hoặc váy có tính chất xòe rộng cần chú ý về trang phục. Rất nhiều trường hợp tai nạn thang máy xảy ra do quần áo bị kẹt dưới băng chuyền.

- Sử dụng tay vịn đúng cách, không được tựa lưng vào tay vịn hay quay ngang người, quay lại phía sau - tránh tình trạng mất thăng bằng hay kịp thời xử lý khi có sự cố.
- Tuyệt đối không mang theo xe nôi, thùng hàng nặng lên cùng thang cuốn để bảo đảm sự an toàn cho mình và người xung quanh.
- Khi chuẩn bị bước lên hoặc xuống thang cuốn, bạn nên chọn vị trí sàn nhà ngay sát mép băng chuyền (số 1) để tiếp đất và tránh đặt chân xuống khu vực chân tay vịn (số 2).
Theo cấu tạo của thang cuốn thông thường, vị trí phía chân tay vịn thường để rỗng để phù hợp với cấu tạo của khung, do đó nếu chịu lực mạnh vị trí này sẽ có khả năng bị sập và gây ra tai nạn. Sau khi tiếp đất ở vị trí số 1 bạn nên bước một bước dài để đặt chân ở sàn nhà (số 3) để đảm bảo an toàn.